Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cùng ban ngành chức năng kiểm tra, chỉ đạo xây dựng biên giới vững mạnh

Những năm gần đây, hoạt động giao thương, xuất, nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng gia tăng. Lượng hàng hóa xuất khẩu tăng mạnh; trong đó, mặt hàng nông sản, trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu sang nước bạn chiếm khoảng 80% tổng giá trị kim ngạch hàng hóa xuất khẩu qua địa bàn Lạng Sơn. Vào thời điểm chính vụ, nhiều mặt hàng nông sản, trái cây chủ lực như thanh long, vải thiều, dưa hấu, xoài, sầu riêng... chở đến Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và Cửa khẩu Tân Thanh thường bị ùn ứ, gây thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp, thương nhân và ảnh hưởng đến an toàn giao thông cũng như vệ sinh môi trường...

Để giải quyết tình trạng này, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, lực lượng chức năng liên quan triển khai nhiều biện pháp như điều tiết phương tiện đến bãi chờ để phân luồng dần vào khu vực cửa khẩu, trao đổi, hội đàm với phía Trung Quốc nhằm kéo dài thời gian thông quan. Tuyên truyền, khuyến cáo các doanh nghiệp, thương nhân đẩy nhanh hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thông quan đầy đủ theo quy định, chủ động cân đối nguồn hàng, phương tiện trong từng thời điểm... Tuy nhiên, các biện pháp trên chỉ là giải pháp tình thế, không giải quyết được triệt để tình trạng ùn ứ hàng hóa tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh những lúc cao điểm.

Ông Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, trong khuôn khổ chuyến thăm và dự Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Thiên Tân năm 2023, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn đã cùng lãnh đạo chính quyền tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) ký kết thỏa thuận khung giữa hai bên nhằm cùng thúc đẩy xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh. Theo đó, hai bên đồng ý đẩy mạnh xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh tại tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam)-Hữu Nghị quan (Trung Quốc) và tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa Cửa khẩu Tân Thanh (Việt Nam)-Pò Chài (Trung Quốc).

Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (huyện Cao Lộc)

“Việc xây dựng mô hình cửa khẩu thông minh là phù hợp chủ trương, định hướng của Chính phủ cũng như của tỉnh Lạng Sơn, phù hợp mục tiêu chương trình chuyển đổi số quốc gia và của tỉnh; qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thông quan hàng hóa giữa hai bên tiến hành nhanh chóng, không tiếp xúc, không bị gián đoạn, nâng cao hiệu suất thông quan và giải quyết được vấn đề ùn tắc hàng hóa xuất, nhập khẩu, nhất là trong thời gian cao điểm, giảm chi phí cho doanh nghiệp, thương nhân. Mô hình cửa khẩu thông minh cũng góp phần tăng năng lực, hiệu suất thông quan, nâng cao lợi thế cạnh tranh của tỉnh, thu hút các doanh nghiệp thực hiện hoạt động xuất, nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn”, Phó Chủ tịch Đoàn Thanh Sơn nhấn mạnh.

Trong năm 2024, tỉnh đưa ra nhiều giải pháp, phấn đấu xây dựng Lạng Sơn sớm trở thành một trong những trung tâm, đầu mối hoạt động xuất, nhập khẩu, thương mại, dịch vụ, du lịch và khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm của vùng Đông Bắc, cửa ngõ quan trọng thông thương hàng hóa giữa các nước ASEAN với thị trường Trung Quốc và các nước khác. Hiện địa phương đang xây dựng cơ chế thu hút, huy động khoảng 14.000 tỷ đồng nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư các dự án trong khu kinh tế cửa khẩu, phấn đấu đến năm 2030, phát triển khu kinh tế cửa khẩu thành trung tâm kinh tế cửa khẩu hiện đại, năng động, xanh. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và có mạng lưới dịch vụ hoàn thiện; trở thành một trong những trung tâm, đầu mối hoạt động xuất, nhập khẩu, thương mại, dịch vụ, du lịch và kinh tế động lực trên tuyến hành lang kinh tế Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh, đồng thời là cửa ngõ quan trọng thông thương hàng hóa của các nước ASEAN với thị trường Trung Quốc và các khu vực khác trên thế giới.

Nguyễn Duy Chiến